Những ngày tháng 4 lịch sử lại về, đây là dịp cả nước chúng ta dấy lên phong trào thi đua sôi nổi giành nhiều thành tích trong lao động, sản xuất, học tập, công tác để hướng về ngày sinh nhật Bác Hồ kính yêuvào ngày 19 tháng 5. Nhân dịp này, tôi xin giới thiệu đến các thầy giáo, cô giáo cùng toàn thể các em học sinh một tập thơ rất có ý nghĩa mà khi đọc đến nó chúng ta sẽ rất tự hào và nâng niu chúng như là được tặng một món quà lớn. Xin trân trọng giới thiệu đến quý thầy cô và các em tập thơ “Nhật ký trong tù” của Bác Hồ kính yêu.
Thầy, cô cùng các em thân mến! Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ vĩ đại đồng thời cũng là nhà văn, nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam. Dẫu văn thơ chỉ là một bộ phận nhỏ, chiếm một vị trí khiêm tốn trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng lớn lao của Người, nhưng đó thực sự là di sản tinh thần vô giá, là những viên ngọc quý trong kho tàng văn học dân tộc. Sinh thời chưa một lần Chủ tịch Hồ Chí Minh thừa nhận mình là nhà văn, nhà thơ và trong thực tế cũng chưa bao giờ Người có điều kiện để sáng tác như một người nghệ sĩ chuyên nghiệp, song với những di sản văn chương để lại đã mặc nhiên khẳng định Người là một nhà thơ lớn, một danh nhân văn hóa thế giới. Người đến với văn thơ trong hoàn cảnh thật đặc biệt và thơ văn gắn liền với hoạt động cách mạng phong phú của Người. Với Hồ Chí Minh, văn thơ là tâm hồn, là tư tưởng, là hành động đồng thời cũng là một vũ khí đấu tranh tuyên truyền, khởi nguồn từ trong cuộc sống, cất lên từ chính cuộc sống, gắn bó chặt chẽ , thiết tha với đời sống, văn thơ Người đã thực sự trở về hòa nhập với cuộc sống, nhân dậy sức sống đi vào lòng người.
“Nhật ký trong tù” là tập nhật ký bằng thơ được chủ tịch Hồ Chí Minh viết khi Người bị giam cầm trong lao tù dưới chế độ phản động Tưởng Giới Thạch ở Trung Quốc những năm 1942 – 1943. Người không chỉ ghi lại những gì đã trải qua mà đằng sau những áng Đường thi bất hủ đó là tinh thần, là tấm lòng, là bản lĩnh, là phong thái của người chiến sĩ cộng sản. Chính vì vậy, Nhật ký trong tù đã trở thành tác phẩm lớn có giá trị sâu sắc về nội dung cũng như nghệ thuật trong nền văn học Việt Nam. Tập thơ được viết bằng chữ Hán do giáo sư Nam Trân chủ trì bản dịch lần thứ nhất, giáo sư Nguyễn Huệ Chi chủ trì bản dịch bổ sung và chỉnh lý trọn vẹn.Trang bìa của tập sách được họa sĩ Duy Ngọc thiết kế rất trang trọng. Nỗi bật trên nền nâu thẫm là dòng chữ tên tác giả và nhan đề của tập thơ, ẩn phía sau là những câu thơ chữ Hán và phía dưới là hình vẽ hai tay bị xiềng xích, có lẽ hình ảnh đó được Hồ Chí Minh coi như một lời đề từ cho toàn tập thơ
Phần thứ 2 là phần chính của tập thơ, đây chính là nội dung của tác phẩm. Phần này gồm 133 bài thơ cụ thể của tập thơ Nhật ký trong tù, mỗi bài được trình bày gồm 4 phần:
– Phần nguyên âm chữ Hán
_ Phần phiên âm.
– Phần dịch nghĩa
_ Phần dịch thơ.
Thông qua nội dung của tập thơ Nhật ký trong tù chúng ta biết rằng đây không phải là thơ của một người bình thường, được sống tự do, tự tại mà là thơ của một người tù, là nhà lãnh đạo của phong trào cách mạng, vì thế “Nhật ký trong tù” cho ta hiểu được quãng đời gian khổ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời tập thơ mang giá trị hết sức to lớn được thể hiện qua nhiều mặt. Tôi sẽ giúp quý thầy cô cùng toàn thể các em học sinh hiểu những giá trị tiêu biểu nhất của tập thơ.
Trước hết “Nhật ký trong tù” là bức tranh hiện thực xã hội Trung Quốc thời Tưởng Giới Thạch. Phản ánh sự mục nát về chính trị, tính chất phi lý, bất công của chế độ xã hội thối nát Tưởng Giới Thạch. Trong sự quan sát của Bác, cái gọi là công lý, chân lý nơi nhà tù Tưởng Giới Thạch đều phải xem xét lại. Bởi vì qua quan sát của Bác ta thấy hầu như mọi sự trái ngược, vô lý ở đời đều có thể ngang nhiên tồn tại ở đây.
“Nhật ký trong tù” là một bức tranh tâm trạng trữ tình của Bác Hồ kính yêu, là bức chân dung về Hồ Chủ tịch. Đọc thơ Bác, ta luôn bắt gặp một tình yêu thiên nhiên sâu sắc. Bác luôn tìm ở thiên nhiên sự dịu dàng rộng mở mà không thế lực nào có thể ngăn cách. Một ánh dương len lõi qua khe cửa nhà giam, một bông hồng trước cửa nhà ngục lặng lẽ nở rồi rụng, ngay cả trên chặng đường bị giải đi tay chân bị trói chặt, mũ áo ướt đầm, giày bị rách thì những tiếng chim ca, những bông hoa núi, một cánh đồng vào vụ gặt, cảnh núi non hùng vĩ cũng mang lại cho Bác một cảm giác tự do:
“Mặc dù bị trói chân tay,
Chim ca rộn núi, hương bay ngát rừng;
Vui say, ai cấm ta đừng,
Đường xa, âu cũng bớt chừng quạnh hiu ” (Trên đường)
Nhật ký trong tù giúp ta thấy được tinh thần của Hồ Chí Minh thật phong phú, đẹp đẽ và sâu sắc, nét nổi bật trong bức chân dung ấy là khát vọng tự do. Bác đã từng bôn ba khắp năm châu bốn biển, bị rơi vào cảnh bưng bít, cách biệt trong nhà tù, Bác thấm thía nỗi đau khổ vô hạn của cảnh mất tự do:
“Trên đời ngàn vạn điều cay đắng
Cay đắng chi bằng mất tự do ”. (Cảnh binh khiêng lợn cùng đi)
Vẫn biết cay đắng nhất là mất tự do nhưng điều kỳ diệu là khi bị giam hãm trong tù ngục Bác Hồ vẫn ung dung tự tại, vẫn coi mình là khách tự do, là vị khách tiên:
“Tự do khách tiên trên đời
Biết chăng trong ngục có người khách tiên ”(Quá trưa)
Đọc “Nhật ký trong tù” ai cũng cảm nhận được từ con người Hồ Chí Minh tỏa sáng một lòng nhân ái bao la, một tình cảm nồng nàn cháy bổng với đất nước, với nhân dân. Tấm lòng ấy không nguôi nhớ về Tổ quốc, về đồng bào, đồng chí. Ngay cả trong giấc ngủ của mình hình ảnh Tổ quốc vẫn luôn hiện lên. Điều đó đó được Bác gửi gắm qua những dòng thơ nhẹ nhàng, ngắn gọn nhưng không khỏi làm xúc động lòng người.
“Một canh… hai canh.. lại ba canh,
Trằn trọc băn khoăn, giấc chẳng thành;
Canh bốn, canh năm vừa chợp mắt,
Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh” (Không ngủ được)
Thời gian trôi qua, bóng đêm trở nên tĩnh mịch, cô liêu. Người tù giờ đây như đang thoát khỏi lớp gông cùm, xiềng xích trói buộc để trở thành một người tù chiến sĩ cách mạng vĩ đại đang suy tư về tiền đồ của đất nước mang hình chữ S. Âm vang tí tách của nhịp điệu thời gian cứ trôi dần, trôi dần đó gieo vào trong tâm trí của người thanh niên yêu nước như tiếng gọi của hồn đất nước còn vang vọng nghìn thu. Đã có lúc, tưởng chừng như con người ấy có thể chợp mắt được một chút. Thế nhưng, chiếc sao vàng lại hiện ra trong tư tưởng Người như giấc mộng giải phóng dân tộc, giải phóng đồng bào, giải phóng nô lệ áp bức bất công, khiến cho người tù bừng tỉnh giấc. Hơn một năm trời bị đày đọa, lúc nào người cũng hướng về Tổ quốc:
“ Năm tròn cố quốc tăm hơi vắng
Tin tức bên nhà bữa bữa trông ” ( Tức cảnh )
Nhật ký trong tù thể hiện một khí phách kiên cường của người chiến sĩ cộng sản Hồ Chí Minh: Nhật ký trong tù cho ta cảm nhận được vẻ đẹp của người chiến sĩ cộng sản trong trong cái thế đối chọi giữa sức mạnh tinh thần của lý tưởng cộng sản và sức mạnh của vật chất và báng súng. Hình ảnh người cộng sản luôn ở thế đứng cao, thế đứng của một người bất khuất. Cho nên tuy bị đọa đày xiềng xích mà Bác vẫn vui đùa, vẫn giữ một phong thái ung dung tự tại.
“Hôm nay xiềng xích thay dây trói,
Mỗi bước leng keng tiếng ngọc rung;
Tuy bị tình nghi là gián điệp,
Mà như khanh tướng vẻ ung dung” (Đi Nam Ninh)
Thật vậy, nếu không có một sự nặng lòng với quê hương đất nước thì không thể có những vần thơ hào hùng, mộc mạc, giản dị và thắm đượm tinh thần dân tộc đến thế. Đúng vậy, không bao giờ ngọn lửa cách mạng lại vụt tắt trong trái tim Người. Ngay khi bước vào nhà ngục, trong bài thơ “ Đề từ ” Bác đó khẳng định:
“ Thân thể ở trong lao,
Tinh thần ở ngoài lao;
Muốn nờn sự nghiệp lớn,
Tinh thần phải càng cao”
“ Sự nghiệp lớn ” ở đây không phải là sự nghiệp văn chương mà đó chính là sự nghiệp cứu nước giải phóng dân tộc. Bởi sinh thời, Hồ Chí Minh không nhận mình là nhà văn nhà thơ mà chỉ là người bạn của văn nghệ, người yêu văn nghệ.
“ Ngâm thơ ta vốn không ham,
Nhưng vì trong ngục biết làm chi đây;
Ngày dài ngâm ngợi cho khuây,
Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do. ”
Thoáng đọc qua câu thơ, ta tưởng chừng như Bác viết “ Nhật ký trong tù ” là chỉ để “ giải khuây ”, nhưng nếu hiểu như vậy, chẳng khác nào ta đó để mất đi sức gợi, sức liên tưởng của thơ. Trong hoàn cảnh ngục tù hiện tại, với biết bao khó khăn nghiệt ngã trước mắt đang bao vây những người tù “ Sống khác loài người vừa bốn tháng ”, con người ta dễ bị nhục nhuệ khí chiến đấu nên cần phải không ngừng rèn luyện ý chí và nghị lực của mình. Trong nhà tù với sự giam hãm của gông cùm, xiềng xích, tách biệt với thế giới bên ngoài nhưng dường như tất cả các tình hình, biến động ở Việt Nam Bác đều biết:
“ Ngoại cảnh trời hoa cơn nóng lạnh….Nội thương đất Việt cảnh lầm than ( Ốm nặng )
Nhà tù đọa đày con người bằng tra tấn, đói rét, bệnh tật, nhưng có lẽ nguyên nhân làm cho Bác đau khố hơn cả là “Nội thương đất Việt cảnh lầm than ”. Mọi đau khổ rồi sẽ qua đi để nhường chân cho những niềm hạnh phúc của cuộc đời réo gọi. Với những chuỗi ngày xa quê hương, hình bóng núi rừng của trời Quảng Tây sẽ là quê hương thứ hai làm dịu đi một phần nỗi nhớ.
Quý thầy cô cùng các em thân mến! “Nhật ký trong tù” là tác phẩm lớn của nền văn học cách mạng, tập thơ đã cắm cái mốc quan trọng trong lịch sử thi ca Việt Nam. Vì thế “Nhật ký trong tù” được đưa vào trong các cấp học từ THCS trở lên. Trong chương trình THCS hiện nay, tập thơ giới thiệu cho học sinh lớp 8 gồm 2 bài thơ rất hay. Đó là bài Ngắm trăng và Đi đường.
Đọc “Nhật ký trong tù” sẽ giúp cho quý đọc giả hiểu rõ hơn về con người của Hồ Chí Minh: Một hình mẫu cao đẹp của con người mới trong thời đại mới, một tấm gương trung kiên tuyệt vời của người cộng sản. Người đã kết hợp hài hòa giữa tính dân tộc và quốc tế, anh hùng và nghệ sĩ, chất trữ tình và chất thép vừa rất mực nhân hậu lại vừa triệt để cách mạng, vừa rất mực bình dị lại vừa kiệt xuất vĩ đại. Mặt khác nó giúp chúng ta cảm nhận sâu sắc hơn về tập Nhật ký của Bác.
Bác đã đi xa nhưng những gì mà Bác để lại cho chúng ta vô cùng quý giá, hình ảnh của Bác luôn hiện hữu trong tâm hồn chúng ta, chúng ta càng yêu quý và tự hào hơn vị lãnh tụ tài ba, kiệt xuất, một danh nhân văn hóa của thế giới. Hình ảnh Bác luôn sống mãi với thời gian, sống mãi trong trái tim nhân loại cũng như là tập Nhật ký bằng thơ của Bác vậy. Quý thầy cô cùng các em học sinh có thể tìm đọc tập thơ “Nhật ký trong tù” tại Tủ sách Tham khảo của thư viện trường chúng ta để làm giàu thêm kiến thức của mình. Chúc các em học sinh luôn chăm ngoan, học giỏi và dành thật nhiều bông hoa điểm mười để kính dâng Bác Hồ kính yêu của chúng ta
1. HỒ CHÍ MINH Nhật ký trong tù= 獄中日記/ Hồ Chí Minh ; Dịch, chỉnh lí, bổ sung: Viện Văn học.- H.: Văn học, 2016.- 317tr.; 24cm. ISBN: 9786046983446 Chỉ số phân loại: 895.922132 HCM.NK 2016 Số ĐKCB: TK.01590, TK.01591, |